Nhận định Lý_Thái_Tổ

Tượng Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở đền Lý Bát Đế.

Sử gia Lê Văn Hưu bình trong Đại Việt sử ký:

Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?

— Sách này không còn, dẫn lại theo Đại Việt sử ký toàn thư

Có người hỏi: Lê Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý.

— Sách này không còn, dẫn lại theo Đại Việt sử ký toàn thư[35]

Sử thần Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư bình rằng:

Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương. Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém.

— Đại Việt sử ký toàn thư

Sử thần Lê Tung, tác giả bài Đại Việt thông giám tổng luận thì nhận xét:[36]

Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời, thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân, tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ. Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên. Song thánh học chẳng nghe, nho phong chưa thịnh, tăng ni chiếm nửa dân gian, chùa chiền dựng đầy thiên hạ, không phải là đạo sáng nghiệp truyền dòng vậy.

— Lê Tung

Khâm định Việt sử Thông giám cương mục nhận định:

Nhà Lý được nước, cũng không phải chính nghĩa cho lắm, nhưng đương buổi Lê Ngọa Triều, lòng người lìa tan, sinh dân vô chủ, không về với Công Uẩn còn biết theo ai?

— Khâm định Việt sử Thông giám cương mục[37]

Lời của sử thần chép trong sách Việt sử tiêu án:

Vua Lý Thái Tổ sinh trưởng nhờ cửa Phật, Khánh Vân nuôi lớn, Vạn Hạnh dạy dỗ, thuyết nhân quả ăn sâu ở trong lòng, cho nên khi mới kiến quốc, đã sáng tạo nhiều chùa, cấp điện độ tăng chúng, muốn đưa cả thế giới vào nước Phật, bất luận hiền ngu muốn cho qui Phật, đến đời sau Nhà Lý mới khởi lên ngôi chùa cao sát mây, lập nên cột chùa bằng đá cao vót, lấy sự thờ Phật làm việc thường phải có của một nước (lập hơn 300 ngôi chùa, đúc quả chuông nặng đến một vạn hai nghìn cân đồng). Khi khánh thành chùa thì mở hội, xá các tội nhân; một nhà sư tự thiêu mà cũng tạ ơn Phật, bụt mọc ở chùa Pháp Vân mà lập nên chùa tự dối mình và dối đến người khác, trên dưới như điên như dại, khiến cho ảo thuật của sư Đại Điên dám hoành hành ở trong cung vua, tà thai của Nguyễn Bông đầu thai làm con thừa tự của nước; đến nỗi vua Huệ Tôn bỏ nước cho con gái nhỏ mà xuất gia đầu Phật; vì nhà sư mà hưng quốc, lại vì nhà sư mà mất nước, Phật cũng không đem chén nước công đức mà độ cho vua cho nước được, phải chăng tại vì vua Thái Tổ, cho nên đến nỗi thế?

— Việt sử tiêu án[38]

Theo K.W Taylor:

Lý Công Uẩn, một người được đỡ đầu bởi các thế lực tu viện rõ ràng đã chế ngự trung tâm văn hóa và hành chánh cổ xưa tại đồng bằng sông Hồng, phất lên từ Hoa Lư và trở thành vị chỉ huy thị vệ hoàng cung và, trong năm 1009, sau sự từ trần của người kế ngôi cũng là con trai thất nhân tâm của Lê Hoàn, đã được lập làm vua với sự đồng tình của mọi người. Lý Công Uẩn (được nhớ đến sau khi mất với miếu hiệu Lý Thái Tổ) đã từ bỏ Hoa Lư và đặt kinh đô của ông tại trung tâm hành chính cũ từ thời lệ thuộc nhà Đường (Hà Nội ngày nay), đặt lại tên là Thăng Long.

— K. W. Taylor

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lý_Thái_Tổ http://www.britannica.com/EBchecked/topic/352468 http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://id.loc.gov/authorities/names/n2007021324 http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/lichsu... http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/lichsu... http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2003/09/3b9cbc0d/ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khoi-cong-xay... http://www.iet.ntnu.no/~duong/vn/vnsl/vnsl04.html http://web.archive.org/web/20100207133713/http://w...